Di dời các hộ dân khỏi di tích " Gian Nan "

thiet ke nha dep

  Tin Tức Tổng Hợp, Kiến Trúc, Kinh Tế, Xã Hội, Đời Sống.

Di dời các hộ dân khỏi di tích " Gian Nan "

Thời gian qua, không ít lần Báo Hànộimới đề cập tới sự xuống cấp của nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nội. Lời “kêu cứu” của các di tích là vô cùng khẩn thiết khi sự xuống cấp đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, thậm chí nhiều nơi đã phải di dời tượng, đồ thờ, niêm phong toàn bộ khu vực nội tự để bảo đảm an toàn. Để cải tạo, tu bổ di sản, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là làm thế nào để di dời người dân ra khỏi khu vực di tích?Nhiều di tích bị xâm hại nghiêm trọng.
 
Phản ánh tới Báo Hànộimới, người dân phường Ô Chợ Dừa cũng như nhiều phật tử chùa Thanh Nhàn (số 68, ngõ 318 đường La Thành, quận Đống Đa) bức xúc trước việc khuôn viên đất chùa, nội tự bị lấn chiếm, biến thành nhà ở. Bốn năm nay, khu vực nhà thờ Mẫu hư hỏng nặng, mái ngói sắp sập song phật tử cùng nhà chùa không dám tu sửa vì sợ làm đổ nhà dân đang sống liền kề… Tìm hiểu, chúng tôi được biết chùa Thanh Nhàn là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê, có diện tích rộng 5.934m2. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1989. Theo số liệu từ Phòng VH-TT quận Đống Đa, hiện có 13 hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên chùa, trong đó có 6 hộ ở trong nội tự (2 hộ ở nhà thờ Mẫu, 4 hộ ở hai dãy giải vũ); 7 hộ còn lại ở trong những căn nhà cấp 4 liền kề với nhà thờ Mẫu. Hầu hết các hộ chỉ có diện tích nhỉnh hơn 10m2. Bà Phạm Thị Nụ – phật tử được phân công trông coi chùa cho biết, mấy năm gần đây nhiều hạng mục tại chùa xuống cấp nghiêm trọng, nhiều xà, kèo, cột bị mối mọt lâu ngày, rất nguy hiểm. Đặc biệt tại nhà thờ Mẫu, mái ngói và cột gỗ đã mục nát có thể sập bất cứ lúc nào, tường ngấm, nền nhà đọng nước. Sự xuống cấp đe dọa đến các hiện vật, tượng Phật, đồ thờ… khiến nhà chùa phải cho di dời toàn bộ sang khu vực khác và cho tu sửa cấp thiết bằng cách lợp mái tôn lên trên mái ngói chùa để che mưa nắng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Việc “cứu” chùa, tu sửa mới thực sự là giải pháp lâu dài và cần được sớm triển khai trước khi quá muộn…
 
Làm việc với Ban Quản lý Di tích danh thắng (Sở VH,TT&DL Hà Nội) để lấy số liệu thống kê các di tích trên địa bàn cũng như số di tích hiện đang có người dân sinh sống, chúng tôi được biết thực hiện Luật Di sản văn hóa, từ cuối năm 2013, đơn vị này đang tiến hành tổng kiểm kê di tích trên toàn thành phố để đánh giá thực trạng, mức độ xuống cấp nguy hiểm từ đó đề xuất hướng xử lý tiếp theo. Dự kiến công việc này sẽ kết thúc vào cuối năm 2014 nên hiện tại vẫn chưa thể cung cấp được con số thống kê chính thức. Tuy nhiên, trong một thống kê trước khi sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô, trên địa bàn Hà Nội trước đây có hơn 2.000 di tích thì có tới 400 di tích bị xâm phạm, trong đó có 119 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Những di tích bị xâm hại ở mức độ trầm trọng như: Chùa Quang Minh (phường Văn Miếu, Đống Đa) với 24 hộ dân sinh sống; chùa Đồng Quang (phường Quang Trung, Đống Đa) có 42 hộ dân; chùa Kim Cổ (Hoàn Kiếm) có 1 hộ dân sinh sống nhưng chiếm 45/115m2, đình Trương Thị (Hoàn Kiếm) có 30 hộ dân không có hợp đồng thuê nhà… Ngay cả di tích Thành Cổ Loa – di tích trọng điểm quốc gia cũng bị xâm phạm bởi các công trình dân sinh.
 
Vướng mắc do đâu?
 
Trở lại câu chuyện của chùa Thanh Nhàn, không chỉ nhiều hạng mục tại chùa xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào cần nhanh chóng được bắt tay vào tu sửa gấp, người dân địa phương và các phật tử còn bức xúc trước nơi thờ cúng linh thiêng, ngày rằm mùng một nhiều người đến lễ song không gian cảnh quan thanh tịnh chùa bị bủa vây bởi đủ mùi xào nấu, rán cá, rim thịt, xào tỏi… Trong khi đó, với các hộ dân, việc sinh sống trong khuôn viên chùa cũng là “cực chẳng đã”. Ông Lê Hữu Tài – một trong hai hộ dân sống ở khu vực nhà thờ Mẫu chùa Thanh Nhàn cho hay: “Tôi sống ở chùa đã gần 50 năm nay. Đất đền, đất chùa, thực ra chúng tôi cũng không ai muốn ở đây cả. Nhà cửa chật chội, sinh hoạt vô cùng bất tiện, nhiều khi phải kiêng khem, giữ gìn nên không mấy thoải mái. Không chỉ vậy, nhiều hôm phật tử đến vãng cảnh chùa, đi qua thấy có người ở không khỏi ngỡ ngàng dừng lại hỏi, gia đình lại phải ra phân trần… Chúng tôi cũng mong Nhà nước, nhà chùa sớm thực hiện giải tỏa di dời, có chính sách đền bù thỏa đáng để các hộ dân chuyển đến nơi ở mới, bảo đảm cuộc sống”.Trước thực trạng chùa Thanh Nhàn xuống cấp nghiêm trọng song chưa được các cấp đồng ý để sửa chữa, xây mới, làm việc với Phòng VH-TT quận Đống Đa, ông Nguyễn Trọng Hải – Trưởng phòng cho biết: Nguyện vọng của các phật tử và nhà chùa, lãnh đạo các cấp đều biết nhưng để cải tạo, tu sửa thì cần phải di dời các hộ dân ra khỏi khuôn viên chùa. Trên thực tế, từ tháng 5-2008, công tác di dời các hộ dân ra khỏi di tích, xây dựng phương án tu sửa đã và đang được quận Đống Đa triển khai, làm tờ trình xin thành phố phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án GPMB các hộ dân đang sinh sống tại các di tích lịch sử đã xếp hạng trên địa bàn quận (giai đoạn I). UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt ngày 17-6-2008. Tuy nhiên, đây là công việc khó, không dễ dàng thực hiện trong ngày một ngày hai vì liên quan đến công tác này là rất nhiều vấn đề: xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất trong di tích của các hộ dân; ngân sách cho công tác di dời, GPMB, quỹ nhà tái định cư, ngân sách để cải tạo, tu bổ di tích… Trên địa bàn quận Đống Đa có khá nhiều di tích hiện có các hộ dân sinh sống, song việc di dời các hộ dân ra khỏi di tích cũng không thể thực hiện đồng loạt. Vì vậy, có 4 điểm di tích: chùa Quang Minh, chùa Phụng Thánh, chùa Linh Ứng và chùa Thanh Nhàn đã được lựa chọn ưu tiên thực hiện trước. Hiện 3 chùa đầu tiên đã xong các thủ tục kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất, người dân đã đi bốc thăm nhận nhà tái định cư. Riêng chùa Thanh Nhàn, công tác này bị “tắc” do có đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bình – một hộ dân sống trong khu vực nội tự. Sau quá trình rà soát của các cơ quan có thẩm quyền, mới đây (ngày 12-5-2014) UBND thành phố đã có công văn kết luận, gỡ nút thắt trong việc giải quyết vụ việc. Như vậy, công tác cải tạo, tu sửa các hạng mục đã xuống cấp chùa Thanh Nhàn chỉ có thể triển khai được sau khi đã hoàn thành xong việc di dời, GPMB.Tự hào là địa phương dẫn đầu về số lượng cũng như sự phong phú, đa dạng của di tích song thời gian gần đây, Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trên chặng đường bảo tồn, trùng tu và phát huy những giá trị văn hóa quý báu này. Vấn đề này, chúng tôi sẽ thông tin ở số báo tiếp theo.

 

(Còn nữa)
(Theo Hanoimoi)
Danh Mục Thiết Kế

Tags: tin tuc kien truc

 In bài  Gửi email