Dù nụ cười đã nở trên môi, nhưng dường như không nạn nhân nào không bàng hoàng khi nhớ lại những ngày sống trong đường hầm tăm tối.
Sau hơn một ngày nằm mê mệt, phải thở oxy, ngày 21-12 chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An), nạn nhân nữ duy nhất trong vụ sập hầm, vẫn không khỏi thảng thốt khi nhớ về bốn ngày trời sống trong bóng tối giữa lòng đất lạnh, nước chảy trên đầu, nước dâng dưới chân.
“Mỗi giờ trôi đi trong hầm, tôi có cảm giác nó dài như cả năm! Tôi luôn nghĩ về con nhỏ 4 tuổi bé bỏng của mình đang gửi cha mẹ chồng ở quê nhà. Ngày tôi chuẩn bị lên đường vào Lâm Đồng làm việc ở công trường thủy điện Đạ Dâng, nó nói líu lo đủ chuyện làm tôi quyến luyến không dứt ra được. Đứa bé là động lực lớn nhất giúp tôi chiến đấu với thực tế kinh hoàng để rồi được “sinh lại” bởi lực lượng cứu nạn” - Ngọc rơm rớm nước mắt kể.
Chia nhau chỗ ngồi
Cách đây khoảng một tháng, Ngọc theo chồng vào làm công nhân tại công trường thi công đường hầm thủy điện Đạ Dâng.
“Tôi vô để nấu cơm phục vụ cho công trường, nhưng khoảng 2-3 ngày trước khi tai nạn xảy ra thì tôi vô hầm để dọn dẹp vệ sinh, phục vụ các anh phun bêtông đường hầm. Sáng 16-12, khi vô ca được khoảng 20 phút thì nghe có tiếng đổ sập phía sau lưng. Chớp mắt điện tắt ngóm, mọi cái tối đen. Tôi hãi quá, đứng chôn chân luôn. Đến khi định thần lại mới biết tôi và cả nhóm bị giam giữa lòng hầm” - Ngọc nói.
Ngay sau giây phút bàng hoàng đó, cả nhóm tụm lại nhau, ai cũng nghĩ sẽ được những người bên ngoài vào cứu.
“Cả mười mấy tiếng đồng hồ không ăn uống, chỉ biết chờ đợi, cuối cùng hi vọng bùng lên khi có tiếng động từ bên ngoài hầm vọng vào. Rồi mũi khoan thông, có tiếng người hỏi, chúng tôi vui mừng thông báo: Mọi người trong này đều khỏe, mong bên ngoài giải cứu nhanh nhanh” - anh Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An), người được coi là “thủ lĩnh” trong hầm, nhớ lại.
Nhưng rồi không lâu sau đó, nước dưới hầm bắt đầu dâng cao bởi lượng nước từ trên mái hầm chảy xuống quá lớn.
“May mắn là trong hầm còn kẹt một chiếc xe phun bêtông, 12 anh chị em bèn leo lên, chen nhau đứng. Lúc bấy giờ, tôi có linh cảm việc cứu nạn không dễ dàng nên mới yêu cầu mọi người có điện thoại thì tắt nguồn, chỉ khi nào cần ánh sáng để đi lại mới mở một máy lên, có cả thảy năm chiếc điện thoại được trưng dụng trong những ngày sống trong bóng tối của cả nhóm” - anh Nam nói.
Nước mỗi ngày mỗi lớn, nơi “trú chân” của 12 con người cũng ngập. Đứng trên xe mà nước ngập gần tới gối. Còn một vị trí cao trên xe, đủ chỗ ngồi cho 4-5 người nên chỉ có chị Ngọc, em Hoàng Đình Thịnh (19 tuổi, quê Nam Định) bị hen khó thở là được ưu tiên lên ngồi nơi đó, còn những nam công nhân khác thì thay phiên nhau.
“Cứ nửa tiếng hoặc hơn chúng tôi lại “thay ca” nhau lên đó ngồi để đỡ cóng chân. Lạnh quá thì anh em ôm nhau để truyền hơi ấm cho nhau. Những giờ phút ngồi trên “điểm cao” ấy anh em tranh thủ ngủ gật ngủ gà, còn khi đứng dưới nước lạnh làm sao ngủ được” - anh Nam kể lại và em Thịnh, anh Hoàng Ánh Văn (tên thường gọi là Sơn, 34 tuổi, quê Nam Định) xác nhận như vậy.
Trong trí nhớ của anh Nam, lúc anh cảm thấy bất lực nhất là lúc những công nhân trẻ lội ra phía ống liên lạc hét lên: “Cứu, cứu tôi”.
Anh Nam nói: “Họ còn trẻ mà, đâu trách được. Tôi kéo họ lại, an ủi họ. Dần dần rồi cũng nguôi ngoai”. Đó là sáng ngày thứ ba bị đất lạnh giam cầm.
Sẻ áo để giữ ấm
Theo anh Văn, từ nơi “trú ngụ” là chiếc xe đến nơi có chiếc ống liên lạc chừng 50m. “Cho đến nửa ngày thứ hai sau khi hầm sập thì nước trong hầm dâng tới đùi, rồi hôm sau ngập đến ngực, đến cổ. Muốn đến nơi chiếc ống để nói chuyện, để nhận thức ăn, anh em phải cử người luân phiên nhau bơi đi. Ngâm mình trong nước mà cứ tưởng chết cóng đến nơi vì lạnh” - anh Văn nhớ lại.
Anh Văn còn nói thêm: “Mỗi lần bơi như vậy, anh em để hết áo quần lại để khi trở về còn có cái mặc cho ấm. Nhưng rồi nước rơi làm nhiều người ướt hết, mỗi khi bơi về là lạnh run lập cập. Nhờ có cô Ngọc san sẻ áo mà không ai bị chết rét”.
Lúc xảy ra sập hầm, Ngọc mặc hai chiếc áo, khoác thêm áo mưa bên ngoài, khi có đồng đội bị lạnh, cô lại cởi một chiếc áo đang mặc để chia sẻ hơi ấm từ người, từ chiếc áo của mình cho họ. Còn Ngọc khen ngược lại, chị nói nếu như các nam công nhân hoang mang, lo sợ một thì là phụ nữ như chị lại tuyệt vọng đến mười. Thế nhưng những người chú, người anh, người em trong cơn hoạn nạn luôn giúp chị hết mình để vượt qua...
“Chưa khi nào em thấy tình người được thể hiện như khi hoạn nạn này. Chính tình người đã sưởi ấm cho nhau giữa đêm tối lạnh lẽo, tuyệt vọng trong hầm” - Thịnh thổ lộ.Thịnh cũng rưng rưng kể rằng sau khi sập hầm, vì trời lạnh, lại quá sợ hãi, cơn hen suyễn của cậu thanh niên 19 tuổi lại trỗi dậy. Khi ống liên lạc đầu tiên được thông vào, anh em cõng Thịnh đến để đưa ống oxy cho em thở. Khi hầm ngập nước, những lúc lên cơn hen, Thịnh lại được cõng đi thở oxy. Rồi khi lực lượng cứu nạn tìm thấy, đồng đội lại cõng Thịnh đưa ra ngoài...
“Chúng tôi như được sinh ra lần nữa”
“Thủ lĩnh” Phạm Viết Nam nói hai điều khiến mọi người hoang mang đến mức tuyệt vọng là sợ nước từ dưới dâng lên cao khiến họ chết đuối hoặc mái hầm mục đổ sập xuống làm mồ chôn cả nhóm.
“Hôm nay thì nói sắp cứu được rồi, ngày mai cũng nói sắp thông hầm rồi... Nghe bên ngoài nói thế, chúng tôi biết anh em động viên mình nhưng vẫn thấy niềm tin cạn dần, cạn dần. Đến sáng ngày thứ tư, nước bên dưới dâng cao quá, tôi nghĩ là chết đến 99% rồi. Có lúc chúng tôi nổi đóa, la lối, bức xúc, nhưng rồi lại về an ủi lẫn nhau, động viên nhau vượt qua, cố tin là mình sẽ được cứu, sẽ sống, sẽ gặp lại mọi người và thế giới ngoài kia”.
Anh Nam cũng cho biết chính anh là người đi nhận bức thư do ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - viết gửi vào cho 12 công nhân đêm 18-12. Khi mở điện thoại ra đọc cho mọi người cùng nghe thì bức thư ướt nhòe, tờ giấy bên ngoài gửi vào cũng ướt nên không thể viết thư lại được dù rất muốn.
Chính bức thư đó và qua trò chuyện với bên ngoài, 12 công nhân được biết cả nước đang dõi theo về sự sống của mình, mọi lực lượng đang nỗ lực cứu mình. Vì vậy nói thật là lòng ai cũng sợ nhưng vẫn có niềm tin.
Sự sống kỳ diệu trở lại với 12 công nhân vào chiều tối 19-12, khi hầm cứu nạn do lực lượng công binh đào đến được nơi họ mắc nạn. “Chúng tôi như được sinh ra lần nữa” - chị Ngọc thổ lộ.
Bây giờ, ai trong số họ cũng muốn sau khi xuất viện là “bay” ngay về nhà để gặp người thân, để chia sẻ niềm vui trở về từ cõi chết.