Lực lượng chức năng càng quyết liệt xử lý xe quá tải thì hiện tượng chống đối, tiêu cực lại xuất hiện với nhiều cách thức khác nhau. Ông có cho rằng ở một số địa phương thực sự có “đoàn xe vua” để chở quá tải?
- Về việc kiểm soát tải trọng xe, đến nay, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) đã chuyển biến nhận thức, đa số các DN lớn đã chấp hành chủ trương chung, chở đúng tải. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số đoàn “xe vua” (theo cách gọi của báo chí) lưu thông trên đường, ban ngày hoạt động ít, chủ yếu hoạt động ban đêm. Tôi khẳng định là có người chống lưng cho những đoàn “xe vua” như thế này, đúng như báo chí phản ánh. Từ khi kiểm soát trên toàn quốc (tháng 4) đã phát sinh hoạt động cò mồi đưa xe qua trạm cân. Đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ cũng đã nhận được thông tin lái xe quá tải chi tiền để đi qua trạm cân.
Cũng theo phản ánh của báo chí, có hiện tượng người dân ở một vài tỉnh cò mồi lấy tiền thông qua các cây xăng. Chúng tôi đang theo dõi, báo tin cho cơ quan công an để xử lý. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi chưa phát hiện lực lượng thanh tra giao thông, CSGT trực tiếp tại trạm liên quan đến tiêu cực mà có vòng ảnh hưởng từ phía trên nữa. Cái đó rất nguy hiểm. Bây giờ phải bắt được lực lượng cò mồi thì mới điều tra được ai là người bảo kê. Việc này cần thực hiện theo chuyên án của công an. Việc xử lý lực lượng cò mồi dẫn dắt xe quá tải, hiện Bộ Công an cũng đã vào cuộc cùng phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT).
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, từ thông tin qua đường dây nóng Tổng cục Đường bộ có chỉ đích danh một số địa phương có hiện tượng “ra giá” để qua trạm cân. Làm thế nào để chấn chỉnh những hiện tượng này, thưa ông?
- Đường dây nóng của chúng tôi hiện nhận được trung bình 1.500 cuộc/tháng và đều chuyển thông tin để xử lý. Tới đây, chúng tôi sẽ công bố tiếp 10 đường dây nóng khác. Như thông tin về hiện tượng trạm cân ở Bắc Giang, sau đó chúng tôi đã yêu cầu điều chỉnh vị trí trạm cân. Hay như ở Huế vừa rồi cũng đã điều chuyển trạm cân về Phú Bài ngay bởi vị trí cũ rất ít kiểm tra được xe quá tải, về đây là kiểm tra được rất nhiều. Đúng là trạm kiểm soát không thể chặn được 100% xe, nhưng có làm như thế tài xế chở quá tải mới sợ.
Để ngăn chặn tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân, chúng tôi đề nghị các địa phương lựa chọn cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng, chuyên môn tốt thực hiện nhiệm vụ. Còn về Tổng cục Đường bộ, chúng tôi vẫn xác định kiên quyết, kiên trì và phải cứng rắn. Chúng tôi đã xác định Thanh tra thuộc Tổng cục nếu ai tiêu cực thì “chia tay luôn”. Đồng thời, như đã nói, chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an lập chuyên án đấu tranh phòng chống tiêu cực, triệt phá các tổ chức, cá nhân móc nối dẫn đường cho xe quá tải lưu thông.
Kiểm tra trọng tải tại trạm cân số 10 (quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc– Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo địa phương nào để lọt xe quá tải sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng chưa người đứng đầu địa phương nào phải chịu trách nhiệm. Theo ông, cần có thêm giải pháp gì để tăng cường trách nhiệm của địa phương?
- Vừa rồi, Tổng cục Đường bộ cũng đã kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Chính phủ phê bình một số địa phương để lọt nhiều xe quá tải. Chúng tôi cũng đang cho tiến hành đếm xe của một số tuyến nhiều xe quá tải hoạt động hoặc có thông tin đoàn “xe vua”. Sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ sẽ cùng Tổng cục Đường bộ trực tiếp đi làm việc với các tỉnh khi đã có kết quả kiểm đếm, thông báo với các tỉnh trên địa bàn có xe lọt qua trạm kiểm soát ban đêm và đề nghị hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất phê bình nếu còn hiện tượng để xe quá tải chạy trên đường.
Gần đây, nhiều trường hợp lái xe chở quá tải đã cố tình đâm xe phá hỏng trạm cân hoặc bỏ chạy, chống người thi hành công vụ. Đây có phải do sức ép từ phía chủ xe, chủ hàng không, thưa ông?
- Theo tôi, đây chỉ là do nhận thức của lái xe. Các lực lượng chức năng hiện giờ đã xử lý quyết liệt hơn. Lực lượng CSGT có thể tiến hành tháo biển luôn. Còn Chính phủ đã đồng ý cho phép cắt thùng xe cơi nới chở quá tải ngay tại chỗ. Do nhận thức của lái xe khiến họ manh động chứ không phải lực lượng chống lưng chỉ đạo làm như thế. Bởi họ không thể chống lại lực lượng thực thi công vụ. Về lâu dài, theo tôi cần tiếp tục sửa đổi Nghị định 171 để nâng mức phạt liên quan đến chở quá tải lên. Chủ yếu là phạt chủ doanh nghiệp. Mức phạt chủ doanh nghiệp với lái xe phải tương đương nhau để tránh trường hợp lái xe nhận đó là xe của mình bởi nếu nhận như thế thì sẽ phải chịu hình thức phạt rất nhẹ. Một xe buộc cắt bỏ thùng xe bây giờ mức phạt chỉ 20 triệu (4 triệu đối với lái xe và 16 triệu đối với chủ doanh nghiệp, giữ bằng lái 60 ngày). Theo kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội vừa qua, cần phạt theo dạng lũy kế và nâng tổng mức phạt lên 50 – 100 triệu. Nước ngoài họ cũng phạt cao thế để nâng mức răn đe, có như vậy mới triệt để được.
Xin cảm ơn ông!
Có “làm luật” để qua trạm cân Báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định có hiện tượng từng đoàn xe chở quá tải từ 50 - 200% trọng lượng được phép vẫn đi trót lọt từ Quảng Ninh, Hải Phòng qua nhiều địa phương, qua nhiều trạm cân đi lên Lào Cai, Điện Biên, đi từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và ngược lại. Đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ cũng nhận được thông tin, một số địa bàn có dấu hiệu tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân. Cụ thể, tại vị trí của tổ kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay của tỉnh Bắc Giang trên QL 37 đoạn gần cầu Cẩm Lý, các xe quá tải qua đây phải “làm luật” từ 300.000 - 1.000.000đ/lượt để được kiểm tra chiếu lệ. Đơn vị này cũng ghi nhận thông tin về việc lái xe “làm luật” qua cò mồi với lực lượng chức năng ở các trạm cân tại Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông... Mức làm luật từ 500.000 - 3.000.000đ, thậm chí là 5.000.000đ/xe. |