Khu vực tìm kiếm MH370 hiện nay đang ở trên rìa một núi rác đại dương khổng lồ.
Cách đây vài ngày, máy bay của Trung Quốc và Úc liên tục phát hiện các vật thể lạ màu vàng cam trôi nổi trên biển khi đang tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 tại nam Ấn Độ Dương. Ngay lập tức, tàu tìm kiếm các nước được huy động tới các tọa độ này để trục vớt những “manh mối đáng tin cậy nhất” này, bất chấp sóng to gió lớn.
Thế nhưng tất cả những gì họ vớt được từ trên mặt biển là những tấm áo phao cũ nát, những mảnh lưới đánh cá cũ nát và một chiếc nắp hộp đựng đá. Chưa một lần nào những vật thể mà họ vớt lên cung cấp cho lực lượng tìm kiếm bất cứ manh mối đáng giá nào.
Không biết bao lần niềm hy vọng khấp khởi của lực lượng tìm kiếm dấu vết máy bay MH370 biến thành nỗi giận dữ khi những vật thể mà họ vớt được trong khu vực tìm kiếm mới ở vùng biển phía tây nước Úc hóa ra chỉ toàn là rác rưởi. Những mảnh rác này đã làm tốn biết bao thời gian quý giá của lực lượng tìm kiếm trên không và trên biển.
Nhân viên cứu hộ Úc căng mắt tìm kiếm dấu hiệu của MH370 trên biển
Nó cũng thể hiện một vấn đề nghiêm trọng hơn đang diễn ra trên các đại dương khắp thế giới.
Thuyền trưởng Charles Moore trên con tàu Los Angeles, một chuyên gia bảo vệ môi trường nhận định: “Đại dương giờ đây giống như một bát súp nhựa khổng lồ đầy những rác rưởi và vật thể trôi nổi.” Ông Moore là người đã khiến cả thế giới phải chú ý đến núi rác thải đại dương giữa Hawaii và California có tên gọi là Núi rác Thái Bình Dương Vĩ đại, có kích cỡ tương đương với bang Texas của Mỹ.
Ông Moore cho biết các đại dương trên thế giới còn có 4 núi rác thải khổng lồ nữa, và điều không may là khu vực tìm kiếm MH370 hiện nay lại nằm ở rìa phía tây của một siêu núi rác của Ấn Độ Dương.
Ông mô tả: “Núi rác này giống như bên trong một chiếc bồn cầu, chỉ quay vòng vòng mà không trôi đi.”
Những núi rác trên đại dương không giống với các loại rác thải thông thường trong thành phố. Trong thực tế, chúng thậm chí còn rất khó phát hiện, bởi chúng thường là những đồ vật bằng nhựa nằm bên dưới mặt nước.
Theo ông Moore, những vật thể lớn trong núi rác này thường là các ngư cụ bằng nhựa. Tuy nhiên, ông cũng đã từng nhìn thấy vô số bóng đèn, nắp bồn toilet hay thậm chí là cả một chiếc tủ lạnh còn nguyên những quả cam bên trong trôi bập bềnh ngoài khơi bờ biển California.
Nhà hải dương học Curtis Ebbesmeyer đã nghiên cứu hiện tượng rác thải đại dương trong nhiều năm trời. Ông cho biết: “Mỗi ngôi nhà của chúng ta đều có một thùng rác, còn đại dương cũng có những thùng rác khổng lồ di chuyển với vận tốc khoảng 16 km mỗi ngày.”
Ông Ebbesmeyer cho biết ông rất quan tâm tới những gì diễn ra đối với hàng trăm container bị rơi từ các tàu chở hàng xuống biển mỗi nam. Ông cho biết có một container như vậy đã không ngừng nhả ra vô số đồ chơi Lego xuống bờ biển vùng Cornwall nước Anh, còn một thùng container khác xả ra tới 2000 màn hình máy tính, hay hàng ngàn đôi giày Nike.
Vật thể "đáng tin cậy" này hóa ra chỉ là một mảnh rác thải trên biển
Đôi khi, chính bản thân những chiếc container này cũng tiềm ẩn nguy cơ khôn lường khi trôi dạt hàng tháng trời trên biển với những đồ vật bằng nhựa bên trong.
Ngoài ra, đại dương cũng hút vô số rác thải cuốn ra từ các cửa sông, hay do các trận sóng thần mang lại.
Các nhà khoa học đang rất lo ngại với những đồ vật bằng nhựa như túi ni lông, chai nhựa hoặc các vật dụng khác trong nhà đang ngày càng xuất hiện nhiều trên biển. Cùng với thời gian, sóng sẽ khiến những đồ vật này vỡ thành từng mảnh nhỏ hơn và trở thành những đống rác trôi dạt ngày một to dần lên.
Bà Denise Hardesty, một nghiên cứu sinh tại cơ quan CSIRO của Úc ước tính trên mỗi km vuông vùng biển xung quanh nước Úc có khoảng từ 5000 đến 7000 vật thể nhỏ bằng nhựa trôi nổi.
Bà Hardesty nói rằng 2/3 số chim hải âu mà bà nghiên cứu đã từng nuốt phải một vài đồ nhựa nào đó, thậm chí có con còn nuốt tới 175 mẩu nhựa. Có con chim còn “ngốn” cả một que nhựa phát sáng dài hơn ngón tay vốn được các ngư dân sử dụng để thu hút cá.
Bà nói: “Phải mất khoảng 400-500 năm thì những đồ nhựa này mới phân hủy hết. Chúng chỉ bị vỡ ra thành từng mảnh ngày càng nhỏ hơn, cho đến khi nhỏ bằng các sinh vật phù du.”
Một thủy thủ người Mỹ tên là James Burwick cho biết ông đã 2 lần băng qua Ấn Độ Dương để tới Úc, và ông đã nhìn thấy rất nhiều vật thể trôi nổi trên biển, trong đó chủ yếu là các ngư cụ và một số vật thể lạ màu vàng cam hoặc xám.
Theo một chuyên gia hải dương học, các vật thể trôi nổi trên biển ngày càng có xu hướng kết hợp với nhau để tạo thành một thứ gì đó lớn hơn, và các loài sinh vật biển cũng thích trú ngụ ở những nơi này, thế nên khi nhìn từ trên cao rất dễ lầm tưởng đó là một mảnh vỡ của máy bay.