Cây cỏ tốt tươi biểu hiện cho sinh khí thịnh vượng, dồi dào. Việc trồng cây xanh luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sinh khí cho nhà ở. Sắp xếp hài hòa cây xanh, mặt nước trong nhà chính là giải pháp phong thủy hữu hiệu, thân thiện với môi trường xung quanh.
Trong phong thủy, tác dụng của cây cối giúp một mặt ngăn che gió lạnh và tạo bóng râm chống nắng gắt một mặt lọc bụi và giữ lại hơi nước, không ngăn cản gió lành từ hướng nam, đông nam thổi lên.
Dựa vào thiên nhiên khi sắp xếp nhà cửa thông qua dùng cây xanh (Mộc pháp) và mặt nước (Thủy pháp) là cách ứng xử chủ đạo giúp phong thủy dương trạch được hài hòa.
Do vậy, kinh nghiệm “trước cau, sau chuối” của cha ông ta ngàn đời để lại chính là cách trồng cây hợp khí hậu và phương vị, trong đó mối quan hệ giữa ngôi nhà với vườn trước, vườn sau, vườn bên, ao cá… khá chặt chẽ và hài hòa. Tuy nhiên, dù có đất rộng thì cũng không thể trồng cây tùy tiện lan tràn mà cần tuân thủ theo các quy luật về thực vật và phong thủy.
Khi chọn mua nhà, cần quan sát hướng của cây xanh so với nhà mình. Nếu mặt trước nhà nhìn ra hướng nhiều ánh sáng và gió thì cây trồng cần thưa thoáng để tăng tính dương, như các cây kiểng thấp, cây trồng chậu để dễ di chuyển thay đổi. Ở hướng tây và tây bắc tốt hơn là chọn cây chịu nắng và làm thêm dàn leo để chắn bức xạ gay gắt. Nhà hướng bắc hoặc đông bắc thì cây trồng nên có lá màu sáng để phản xạ thêm ánh sáng, hoặc lá dày, thân chắc để ngăn gió lạnh.
Cây là dương, đón nhận ánh sáng và hút nước từ đất (Âm Thủy), do đó nhìn cây xem được mạch đất tốt xấu chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh. Cây xanh kề cận mặt nước thường là cây thấp (vườn rau, vườn hoa) hoặc cây thân cao ít rụng lá (như cau, dừa nước). Thông thường khi nhà có nhiều nét thẳng vuông thì cây xanh, mặt nước nên bố cục uốn lượn mềm mại.